Kết quả Trận_Verdun

Ngôi nhà có ốp gạch hình thập ngoặc tại 75-81 Đường Troy ở Verdun.
Trận đánh "tệ hại" nhất trong lịch sử.
— Alistair Horne, trong cuốn The Price of Glory: Verdun, 1916, trang 327[3]

Sau 10 tháng giao tranh khốc liệt, hai bên gánh chịu những thiệt hại kinh khủng. Theo con số chính thức mà Pháp công bố năm 1916, thiệt hại của quân Pháp là 350.231 người, trong số đó có 162.308 người bị chết. Theo thống kê năm 1918, thiệt hại của quân Đức ước chừng khoảng 337.000 người, trong số đó 100.000 người chết. Vậy rõ ràng, quân Pháp tổn hại có phần nhiều hơn quân Đức.[8] Tổng số thiệt hại của hai bên lên đến 714.231 người. Theo tác giả Jan Philipp Reemtsma, tổng số tử sĩ ở Verdun là 698.000 quân, trong đó bao gồm 362.000 quân Pháp và 336.000 quân Đức.[22] Trong khi đó, kết quả của trận đánh là không bên này thu được thêm một phần đất nào của đối phương hay bất kì một chiến thắng chiến lược nào. Tuy người Đức đã phần nào gặt hái được thành công trong kế hoạch "hút sạch máu" quân thù, bản thân họ cũng bị "chích máu" và phải chấm dứt chiến lược "Phía Tây" của mình.[1][2][23] Và Chiến dịch Verdun được coi là một chiến thắng kiểu Pyrros - tức là một chiến thắng phải trả giá quá nặng[24] - của người Pháp, tiếp nối những chiến dịch vô ích của họ ở Champagne và Artois.[25][26] Tuy có những người coi trận Verdun là biểu trưng cho tinh thần bất khất của dân tộc Pháp, có ý kiến xem đây là một chiến thắng kiểu Pyrros mẫu mực[13]. Mặc dù cuộc chiến đấu đã gia tăng đáng kể tinh thần người Pháp[2], nước Pháp bị khánh kiệt, gây nên những nghi vấn về thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến.[3] Năm 1917 - là năm theo sau chiến thắng đắt giá ở Verdun, chứng kiến những vụ nổi loạn của binh sĩ Pháp.[27] Quân đội Pháp cũng không thể hoàn toàn hồi phục sau Chiến dịch khốc liệt này và từ đó họ phải dựa dẫm vào người Anh trên Mặt trận phía Tây của cuộc Đại chiến (chưa kể là chính thắng lợi của họ ở Verdun cũng là nhờ có Chiến dịch Somme của quân Anh và Chiến dịch Brusilov của quân Nga trên Mặt trận phía Đông).[9] Có thể thấy, sau Cách mạng Tháng Mười Nga và sự kiện nước Nga rời khỏi cuộc chiến, Pétain - người hùng trận Verdun đã tuyên bố vào năm 1918 rằng gánh nặng chiến tranh thuộc về quân Anh và quân Mỹ mới tham chiến.[27] Không chỉ quân lực Pháp mà cả nước Pháp có lẽ cũng không bao giờ trở lại như trước trận Verdun được nữa.[3]

Rốt cuộc, cả hai bên tham chiến đều không thực sự thắng trận Verdun, do đó Chiến dịch này không hề quyết định.[1] Tuy vậy nhưng để xác định người thất bại thì thật dễ: giới trẻ Pháp và Đức.[2] Chiến dịch Verdun cùng với Chiến dịch Somme đẫm máu và thất bại của quân Nga ở Mặt trận phía Đông đã khiến cho quân Hiệp Ước trở nên khó có thể đánh bại quân Đức mà không hứng chịu tổn thất kinh hoàng.[28] Đối với Đức, thất bại của cuộc Tổng tấn công Verdun cùng với thất bại của Kế hoạch Schlieffen (1914) và cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1918 đã trở thành một chuỗi chiến bại gây nên sự bất mãn của nhân dân đối với Hoàng đế Đức và chủ nghĩa quân phiệt Phổ.[29] Sau thất bại ở Verdun, họ cũng không thể nào mở một cuộc tấn công đại quy mô cho tới năm 1918.[3] Vốn đã bị rung chuyển bởi Chiến dịch Somme của quân Anh, sự tham chiến của Romania và thất bại Verdun, Bộ Tổng Tham mưu Đức mất niềm tin vào chiến dịch[2].

Trận đánh khốc liệt này là siêu điển hình của những thương vong của người Pháp trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, và thể hiện sự thù địch lâu dài của dân tộc Đức với Pháp. Thống kê năm 1918 cho thấy người ta đã thu nhặt được 15 vạn hài cốt tử sĩ còn chưa được chôn trên tử địa.[30] Sau Chiến dịch đẫm máu, người ta vẫn có thể nhìn thấy di hài của các tử sĩ trên chiến địa Verdun - địa danh lịch sử đã trở nên không thể nào quên.[10][31] Đến nay, bãi chiến trường hãy còn nguy hiểm, do ẩn dưới đó còn có đạn dược chưa nổ.[2] Chính vào năm 1984, Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl có gặp gỡ Tổng thống Pháp François Mitterrand tại Verdun, cả hai nhà lãnh đạo cùng tưởng niệm các binh sĩ đôi bên bị thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.[13] Tuy nhiên, tháng 11 năm 1998, Thủ tướng Đức Gerhard Schröder quyết định không tham gia lễ kỷ niệm chung Pháp - Đức với Tổng thống Pháp Jacques Chirac.[32]